Dạo gần đây trên các group facebook ngày nào cũng thấy rất nhiều anh em hỏi về vấn đề về nuôi lông chào mào thế nào cho chuẩn. Có nhiều câu anh em hỏi về lông rất ngô nghê. Nên hôm nay mình sẻ chi tiết tất tần tật về cách nuôi lông để anh em tham khảo, có cái nhìn khái quát hơn, từ đó rút tỉa được kinh nghiệm để chiến binh của mình có bộ giáp mướt rượt nhé. Trong nội dung bài viết nay mình xin bố cục gồm 6 phần
Cấu tạo lông chim
Thay lông
Dinh dưỡng khoáng chất mùa lông
Chế độ nắng nước mùa lông
Chế độ nghĩ ngơi dợt dãi
Tập lực khi nào là hợp lý
Để nuôi được 1 bộ lông tốt bạn cần phải hiểu cấu tạo của lông chim, từng chu kỳ và giai đoạn của lông. Nói thì nó dông dài nhiều thứ, nhưng khi các bạn đã hiểu và thuần thục rồi thì nó chỉ gói gọn gồm có. Cấu tạo lông – thay lông – hoàn thiện lông. Chỉ thế thôi, mục đích của việc diễn giải nhiều từ ngữ là để cho những anh em mới chơi dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn trong việc nuôi lông chào mào mà thôi. Còn đối với những anh em thầy thợ, kinh nghiệm dày dặn thì không dám múa rìu qua mắt thợ nhé.
1/ Cấu tạo lông chim
Trong phần này mình không chi tiết cấu tạo bộ lông của chim như thế nào mà chỉ khái quát những cái chính hình thành nên bộ lông của chim để anh em đỡ loạn hơn. Rất ít anh em biết bộ lông của chim nó chiếm đến 70-75% là protein, các thành phần còn lại gồm có calci, chất sừng hay còn gọi là keratin, sắc, phospho, sắc tố lông theo từng vị trí trên cơ thể và một vài loại khoáng chất khác chiếm tỉ lệ không đáng kể. Cái này là người ta nghiên cứu tổng hợp, mình chỉ dẫn chứng lại cho anh em đọc kẻo không khéo lại bảo mình nói bậy.
Chính vì lượng protein chiếm đến 70-75% như vậy nên trong quá trình chim thay lông sẻ cần rất rát nhiều dinh dưỡng, thậm chí là gấp đôi, gấp 3 dinh dưỡng đang được cho ăn tại thời điểm bình thường. Tại sao mình phải nhấn mạnh điểm này? Bởi vì có một số anh em truyền tai nhau khi thời điểm chim thay lông nên không cho ăn mồi tươi, hạ xuống cám ba vì các kiểu để chim thay lông được nhanh hơn. Đây là sai lầm nghiêm trọng trong việc nuôi lông cho chào mào, vì trong mồi tươi chứa hàm lượng protein hay còn gọi là chất đạm rất cao. Mà protein nó lại chiếm đến 70-75% của bộ lông thì thử hỏi nếu không cho ăn mồi tươi thì liệu bộ lông mùa sau có thực sự “ngon lành” hay không? Cái vế này chút xuống phần dưới mình sẻ chi tiết cụ thể hơn cho anh em thấy.
2/ Chu kỳ thay lông
Thay lông là chu kỳ. Mà chu kỳ là cái gì? là sự việc lặp lại trong 1 khoảng thời gian xác định thì đó được gọi là chu kỳ. Nói để các bạn có cái nhìn thực tế hơn mà thôi. Hằng ngày chúng ta gặp các câu hỏi dạng như vậy ở các group chào mào trên Facebook khá nhiều, “nào là làm thế nào để chào mào thay lông, cách ép lông chào mào, rồi nào là phương pháp để chào mào rụng lông nhanh”. Trời ơi gì zậy? lông đã là chu kỳ thì làm gì có cách nào ngoại trừ tới thời điểm nó tự thay lông. Chưa kể có 1 số kẻ lợi dụng cái nhu cầu này của anh em mà tung ra tùm lum thứ nào là thuốc rụng lông, khoáng rụng lông, cám giúp rụng lông nhanh? Cái này mình nói thẳng để anh em biết mà tránh tiền mất tật mang.
Thường 1 năm chim sẻ thay lông 1 lần khoảng từ tháng 6 đến tháng 11, rất hiếm 1 năm sẻ thay lông 2 lần trừ khi có những tác động thời tiết khắc nghiệt, hoặc những tác động xung quanh quá trình nuôi dưỡng ví dụ như bị chó, mèo, chuột, thằn lằn quậy phá các kiểu. Khi chim bắt đầu điểm lông sẻ có các dấu hiệu chung để chúng ta dễ nhìn nhận như: rụng lông mình, lông cánh lông đuôi, mỗi ngày 1 ít, rồi tăng dần. Dấu hiệu tiếp theo là thích phơi nắng gắt, nắng buổi trưa chẳng hạn, ngày nào cũng thích phơi. Dấu hiệu nữa là khi tắm bộ lông ướt sũng, bết vào nhau.
Về thể trạng thì con chim trong giai đoạn này sẻ ít hót, hay ủ rủ, cảm giác cơ thể uể oải, mệt mỏi (gọi là stress). Cái hay ủ rủ, cảm giác cơ thể uể oải, mệt mỏi này phần đa những anh em thiệt sự để ý và ôm con chim 1-2 mùa trở lên mới cảm nhận rỏ rệt được. Nói chung không phải bất kỳ con chim nào cũng có những báo hiệu rớt lông như ở trên mình nói, nhưng phần đa nó là như thế. Bài viết không thể đi cụ thể chi tiết từng con một mà chỉ dựa vào số đông để thống kê mà thôi.
3/ Dinh dưỡng khoáng chất mùa lông
Đây có thể coi là bước quan trọng nhất trong quá trình nuôi một con chim chào mào mùa thay lông? Chính vì thế nên hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều sản phẩm cám dành cho chim thay lông. Riêng vấn đề chọn cám nào cho chim thay lông thì mình không bàn tới nhé vì mỗi người 1 kiểu và tin dùng 1 loại sản phẩm nhất định. Riêng đối với bản thân mình vào mùa chim thay lông mình dùng cám của mình làm ra.
Cám bã là thứ chủ lực không nói rồi vì nó cung cấp một hàm lượng dưỡng chất nhất định cần thiết cho quá trình thay lông của chim. Hoa quả trước đây mình cũng rất cầu kỳ nhưng sau 1 thời gian nuôi và đúc kết lại thì chỉ vài loại thôi như: chuối, cam, cà rốt, táo. Còn mấy loại như bình bát, mướp khía các kiểu thì mình không sử dung. Có thể trong cám của mình đã đầy đủ sắc tố cho vùng lông tách và đít rồi nên mình thấy không cần thiết.
Như ở phần trên mình có nói cấu tạo của bộ lông chim thì đạm chiếm hết 70-75% nên trong quá trình chim thay lông anh em tăng cường mồi tươi cho chim như cào cào, dế các kiểu, ăn tối đa nhất có thể, không cần phải ngần ngại gì hết. Có 1 số anh em bảo giai đoạn rụng lông thì không cho ăn cào cào. Mình thấy đây là quan điểm không đúng. Thời điểm thay lông con chim thể trạng rất yếu, nên cần rất nhiều dinh dưỡng và các loại khoáng chất. Cào cào chứa 1 lượng đạm tương đối lớn, bên cạnh đó cào cào còn chứa các loại vitamin và khoáng chất rất tốt cho bộ lông.
Cào cào theo như đông y thì họ gọi là “trách mãnh” thuộc bộ cánh thẳng. Người ta tính toán rằng cứ trong 100gr cào cào thì 24,3% protid, 3,6% lipid, 210mg canxi, 270mg photpho, 0,4mg sắt và cung cấp 113 calo. Cũng theo đông y thì cào cào có vị ngot, hăng cay, tính ấm, công dụng chính là giải độc, tăng thể trạng, chuyên được sử dụng để điều trị suy nhược, suy dinh dưỡng. Tới đây thì các bạn có thể hiểu vì sao cào cào luôn là mồi tươi đắt hàng nhất hiện nay.
Về phần vitamin & khoáng chất thì mình không cụ thể ra ở đây mà sẻ viết chi tiết trong 1 bài khác. Nên phần này mình sẻ gói gọn những khoáng chất chính gồm: calci, phospho, sắt, magie, kali, natri. Đám khoáng chất này tương đối quan trọng trong quá trình thay lông. Vitamin thì gồm có A, B, C, D, E, K là đủ rồi bộ rồi, may mắn là mấy cái loại vitamin này nó lại có đầy đủ trong các loài hoa quả trái cây anh em cho chim ăn hằng ngày nên cũng không cần quá bận tâm. Tuy nhiên mỗi con chim có 1 sức ăn khác nhau, hấp thụ dưỡng chất khác nhau nên nó sẻ không đồng đều, nhất là những con chim có mùa tầm 3-4 mùa trở lên sẻ rất khó chịu, nên đôi lúc chúng ta phải bổ sung từ nguồn khác đó chính là các loại vitamin &khoáng chất có bán trên thị trường hiện nay.
Vậy bổ sung vitamin & khoáng chất chọn loại nào cho hợp lý? Hiện nay vitamin & khoáng chất nó chia ra làm 2 dạng là dạng nước và dạng thô? Thông thường thì dạng thô được sử dụng trong quá trình sản xuất thức ăn, có nghĩa là những người sản xuất cám họ trộn vào trong quá trình làm cám. Dạng thô này muốn hấp thụ thì cần phải có thời gian nhất định, chứ không thể một sớm một chiều giúp chim hấp thụ ngay được.
Vitamin & khoáng chất dạng nước thì ngược lại, vì đặc tính là dạng nước nên hấp thụ cực nhanh, hơn nữa nó lại rất lành tính, nói chung dạng nước này là chuẩn nhất rồi nên anh em không cần phải lăn tăn bận tâm làm gì cho mệt. Nhưng chọn loại nào cho chuẩn mới là quan trọng? Mình sẻ giới thiệu với anh em vài loại sau đây:
a/ ChildLife Multi Vitamin & Mineral
b/ Wellbaby multi-vitamin liquid
c/ Pediakid 22 Vitamin Et Oligo Elements
d/ Multi Vitamin Drop Natures Aid
Mấy loại này người ta bào chế thành dạng nước, rất lành tính, đều là những thương hiệu tầm cỡ thế giới do mấy tập đoàn lớn sản xuất, mọi quy định an toàn sản xuất, an toàn sử dụng đều đạt chuẩn, nói chung là kiểm duyệt rất gắt gao chứ không phải mấy loại trôi nổi trên thị trường đâu nên anh em yên tâm sử dụng. Nhìn chung bổ sung Vitamin & khoáng chất anh em cũng nên tinh tế 1 chút, đối với những con chim thể trạng bình thường, ăn khỏe uống khỏe, hót hét ầm ầm thì thôi khỏi cho đỡ mất công, mất tiền. Vitamin & khoáng chất chỉ thích hợp sử dụng đối với những con thể trạng yếu, ăn uống kém thì hãy dùng. 4 loại Vitamin & khoáng chất ở trên nếu các bạn sử dụng thì tỉ lệ là 5-7 giọt/ 1/2 cóng nước, sử dụng nước sôi hơi ấm 1 chút, uống buổi sáng sớm là tốt nhất. Tới trưa phải thay ra.
4/ Chế độ nắng nước mùa lông
Cái này mình thấy có rất nhiều anh em vấp phải nhất. Các anh em truyền tai nhau rằng trong thời kỳ chim thay lông thì hạn chế mở áo trùm ra và phải trùm kín mít để chim thay lông được nhanh hơn, 3-4 ngày mở ra dọn phân 1 lần và tắm rửa. Đây chính là nguyên nhân chính của bệnh rụng lông dặm, hoặc thi thoảng rụng 1 vài cộng lông cánh hoặc đuôi, chưa kể tới bệnh xỉa bậy và xù lông thương thấy ở chào mào đi thi hoặc chơi cội.
Trong quá trình nuôi lông vì nôn nóng muốn chim thay lông nhanh mà một số anh em muốn ép con chim đổ lông thật nhanh bằng cách trùm lồng nhiều ngày. Nhưng thực ra không phải như vậy. Tại sao người ta nói trùm lại 3-4 ngày sẻ thay lông nhanh hơn? Thú thật ra có trùm hay không trùm thì tiến độ thay lông của nó cũng như vậy bởi vì lông là chu kỳ, mà cái gì thuộc về chu kỳ thì tự nhiên đến chu kỳ nó sẻ thay.
Trùm lại 3-4 ngày chẳng qua là sau khi mở áo trùm ra lông nó đọng lại dưới đáy bố lồng nhiều mà chúng ta có thể thấy được nên anh em kháo nhau rằng trùm lại thay lông nhanh hơn. Còn khi mở áo trùm ra thì sẻ có gió nhẹ, gió này nó thôi lông bay tùm lum hết nên không còn để cho anh em nhìn thấy nên bảo là thay lông lâu hơn.
Bởi vậy trong quá trình chim thay lông thì anh em cứ như ngày bình thường, tắm rửa phơi nắng hằng ngày giúp chim sảng khoái, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, linh hoat. Vệ sinh thay bố lồng thường xuyên chứ đừng để 3-4 ngày thay một lần. Hãy thử tưởng tượng xem 3-4 ngày mà không dọn phân thì sẻ như thế nào trong môi trường trùm kín áo lồng? Hôi hám chịu không nổi, thậm chí có khi là có giòi, phân chim ẩm mốc là môi trường rất tốt cho các loại ký sinh trùng sinh sôi nảy nở. Bệnh hư lông, chim dễ bị ho, chim lù đù, xì lông vai, lông lưng cũng từ đây mà ra cả.
Cho nên trong quá trình chim thay lông thì các anh em cứ sáng sớm tầm 7h đem chim ra phơi nắng khoảng 15 phút rôi đem vô, vì nắng sớm chưa nhiều Vitamin D3 rất tốt cho bộ lông của chim. Trưa khoảng tầm 10-11h anh em cho chim tắm nước bình thường, sau khi tắm nước xong thì cho chim phơi nắng ráo lông rồi đem vô trùm chữ A đến tầm 5-6h cho chim đi ngủ là vừa đẹp.
5/ Chế độ nghĩ ngơi dợt dãi
Thường thì mấy cái vấn đề nhỏ nhỏ này mình cũng thấy anh em hay gặp phải, có nhiều anh em cho chim ngủ rất trể, điều này ảnh hướng đến sức khỏe và phong độ cũng như thể trạng của chim. Cho nên anh em cố gắng thiết kế 1 chổ ngủ và giờ giấc cho chim hợp lý một tí. Thời gian đi ngủ tốt nhất là tầm 6h, nơi ngủ phải tránh được các loại như: kiến, gián, mèo, chuột, thằn lằn. Để các loại này vào phá thì quá trình nuôi lông sẻ rất mệt.
Chế độ dợt dãi thì không nên. Điều này sẻ làm chậm quá trình ra lông của chim, vì trong quá trình thay lông chim rất yếu, nó dồn sức để thay lông. Nếu chủ chim vẫn cứ xách ra trường ép đấu đá với chim lạ thì thử hỏi xem sức lực đâu nữa mà nó dồn để thay lông đúng không các anh em? Cho nên trong quá trình chim thay lông các anh em chịu khó không đem đi dợt dãi nếu như muốn chim thay lông nhanh. Cái này chắc là kiến thức căn bản và dường như anh em nào cũng biết nên mình cũng không nói nhiều thêm làm gì.
6/ Tập lực khi nào là hợp lý
Có nhiều ý kiến cho rằng khi chim được khoảng 80-90% lông là bắt đầu tập lực được rồi. Vậy cái này có chuẩn hay không? Mình xin nói thế này để anh em tự nghĩ nhé. Lông 80-90% thì cũng được gọi là chưa hoàn thiện, lúc này gốc lông vẫn còn yếu, vẫn còn phải dồn sức để hoàn thiện bộ lông. Nói tới đây chắc có nhiều anh em sẻ bảo chim ngoài thiên nhiên nó đâu có như vậy? Vâng đúng rồi nhưng các bạn đừng so sánh như vậy, vì mổi môi trường sống là hoàn toàn khác nhau nên không thể có sự so sánh như vậy được.
Con chim nuôi nhốt nó sẻ thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Khi lông chưa xong mà tập lực sẻ dẫn tới tình trạng chim bị hụt hơi, nhanh mất sức dẫn đến thể trạng yếu, mà tập lực anh em cần phải nhớ rằng: Tập lực không phải giúp cho con chim trâu bò, thi đấu điên cuồng bền bĩ trên giàn, mà tập lực mục đích chính là để con chim giãn gân cốt sau thời gian thay lông, ăn uống dễ hấp thụ từ đó nâng cao thể trạng, sức khỏe, đề kháng các kiểu. Cái vụ tập lực này mình sẻ chi tiết ở 1 bài khác để anh em rỏ hơn.Tập lực tốt nhất là khi chim xong lông hoàn toàn. Vậy làm thế nào để biết chim xong lông hoàn toàn? Cái này chủ chim là người biết rỏ nhất, vì chủ chim là người nuôi, người tiếp xúc hằng ngày.
7/ Lời kết cho bài viết
Có nhiều bạn nói rằng nuôi chim thay lông khó hơn nuôi chim căng lửa nhưng thực ra mỗi cái đều có khó riêng. Bạn muốn chim nhanh sung căng thì mùa lông bạn phải nuôi thật chuẩn, khi mùa lông bạn nuôi chuẩn thì mọi thứ sẻ đơn giản về sau hơn. Nói chung việc nuôi lông và nuôi lửa các bạn phải đều đặn vì 2 cái này nó bổ trợ cho nhau không phải mùa lông này mà còn đến mùa lông sau nữa.
Trên đây là cách nuôi chim thay lông của mình và một số anh em chơi thân đúc kết lại, dĩ nhiên là nó còn nhiều thiếu sót nhất định, chổ nào thiếu sót hoặc không đúng anh em có thể góp ý để mình hoàn thiện bài viết nhé. Xin chào và chúc anh em ngày càng sở hữu được nhiều chim chào mào hay.