Bài viết này phần lớn nội dung được dịch từ tài liệu nước ngoài với phần chăm sóc chung về chim cảnh và được tham khảo thêm cũng như đúc kết riêng về chim chào mào. Mình được biết đến từ năm 2014 qua một diễn đàn chim cảnh nói chung, và sau nhiều năm tìm hiểu cũng như đúc kết kinh nghiệm từ cá nhân có thể giúp ích các bạn ( nhất là các bạn mới chơi) có một góc nhìn và cảm nhận chính xác nhất trong quá trình chăm sóc chim không chỉ trong thay lông mà cả trong nuôi dưỡng hàng ngày. Đáng lẽ ra mình có thể viết bài sớm hơn từ đầu mùa thay lông, nhưng vì bài viết có nội dung lớn và nhiều khái niệm mới nên cần chỉnh chu tỉ mỉ.:
Trong môi trường tự nhiên, những con chim có thể tự nhận biết thời gian thay lông đúng mùa. Nhưng trong quá trình nuôi nhốt, quá trình thay lông đôi khi sẽ xảy ra không đúng quy luật tự nhiên bởi ảnh hưởng nhiều về môi trường sống khác ban đầu, dinh dưỡng và chế độ chăm sóc. Để chim có thể thay lông đúng mùa và thời gian thay lông nhanh chóng cần phải có kĩ thuật nuôi đúng cách và đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng cho chim. Mùa thay lông của chim chào mào diễn ra từ đầu tháng 6 đến tháng 10 ( dương lịch). Quá trình thay lông của chim chào mào diễn ra từ 1 đến 3 tháng.
1: CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, CHĂM SÓC CHIM CHÀO MÀO THAY LÔNG:
Bộ lông chiếm 20% Protein trong cơ thể, chính vì vậy điều cần thiết nhất, quan trọng nhất trong mùa thay lông là bổ sung protein. Các Amino Axit trong cấu trúc cơ bản của protein có chứa axit amin methionine, và cysteine ( Met + Cys) các hợp chất này giữ vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển bộ lông.
Việc thiếu hụt Methionine và Cysteine ( Met + Cys) ở dạng trầm trọng gây nên tình trạng STRESS OXI HOÁ ( tôi nhấn mạnh đoạn này vì gần đây rất nhiều người chăm sóc chim cảnh gặp phải) đó là tình trạng tự cắn phá lông, Các dấu hiệu ban đầu được thể hiện bằng các đường stress trên lông cánh và đuôi của chim ( rõ nhất có thể nhìn thấy ở lông đuôi) đó là các đường cắt ngang chiếc lông trông như có vết cắt . Ngoài protein cần bổ sung canxi và vitamin vì trong quá trình thay lông lượng canxi trong máu sẽ giảm và thiếu hụt các vitamin trong trao đổi chất.
Trong quá trình thay lông tốt nhất là không dùng bất kì loại thuốc chữa bệnh nào nếu không muốn ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ lông. Ngoài việc dùng cám đủ dinh dưỡng cần bổ sung côn trùng, trứng kiến….vào cuối ngày. Chim cần được nghỉ ngơi nhiều, phải phủ áo lồng trong suốt giai đoạn này trừ những lúc cho nó tắm. Mặc dù phủ áo lồng nhưng chim vẫn phải đủ ánh sáng để ăn uống.
Khi một chiếc lông đang phát triển, có một động mạch và tĩnh mạch chạy qua nó để nuôi dưỡng nó phát triển, khi vẫn còn máu ở đó nó gọi là lông máu. Khi chiếc lông đã phát triển hết cỡ, các mạch máu sẽ dần teo lại, mặc dù vậy thời điểm này những chiếc lông vẫn còn rất yếu, tránh để chim bị gãy những chiếc lông mới mọc này. Những con chim sẽ bắt đầu hót nhiều trở lại vào cuối kì thay lông, thậm chí nó có thể chơi khá tốt và trông giống như một con chim đang ở đỉnh lửa. Hầu hết chúng ta sẽ trở nên thiếu kiên nhẫn và đem chim đi dợt sớm… điều này có thể là một sai lầm.
Những chiếc lông mới phát triển phần gốc của nó rất yếu và rất dễ bị hư hại nếu như bị tác động bởi ánh nắng gắt hoặc tác động ngoại lực mạnh. Gãy một chiếc lông còn đang phát triển sẽ bị chảy máu và tổn thương nang lông, những chiếc lông mới có thể mọc thay thế ngay tại vị trí cũ nhưng đôi khi nó sẽ không đủ độ dài với chiếc lông khác hoặc có thể nó sẽ không mọc lại được nếu tổn thương là quá lớn.
Một lí do nữa là con chim chưa đạt độ lửa mà đặt nó bên cạnh những chú chim đang sung mãn đe dọa nó là tự đưa con chim của bạn vào thế bất lợi, điều này có thể ảnh hưởng đến độ lửa của chim sau kì thay lông. Đa phần chim sẽ đạt lửa sau khi thay lông khoảng một tháng rưỡi và đạt đỉnh lửa vào một tháng tiếp theo. Chỉ nên đưa chim đi dợt sau khi chắc chắn chim bạn đã có lửa và cũng không nên đi dợt thường xuyên giai đoạn này, điều đó sẽ làm nó tụt lửa và rất có thể là THAY LÔNG BẤT THƯỜNG.
2: CHÀO MÀO THAY LÔNG BẤT THƯỜNG:
Nắm bắt một nền tảng kiến thức chính xác quá trình thay lông, ta có thể tiếp cận cũng như đưa ra phương án xử lí tốt với những đợt thay lông bất thưởng của chim chào mào. Đúng chu kì chim chỉ thay lông một lần mỗi năm, sau đó sẽ đến giai đoạn căng lửa, sung mãn và đỉnh lửa sẽ vào đúng chu kì sinh sản, độ lửa giảm dần sau đó sẽ báo hiệu một chu kì thay lông mới vào năm tiếp theo. Các diễn biến này được điều chỉnh bởi cơ chế sản sinh các hormon .
Chim có lửa phụ thuộc vào hormon Testosterone nếu thiếu hormone này chim sẽ không hót, Khi vào mùa thay lông cơ thể chim sẽ hạn chế lượng hormone này để sản sinh ra các hormone có ưu điểm phát triển bộ lông, chim sẽ tụt lửa từ từ và các biểu hiện cơ thể như lông xơ xác, mất độ bóng mượt, ngấm nước, cơ thể mệt mỏi kém linh hoạt, ngủ nhiều, uống nước nhiều, phân có xu hướng mềm, nhiều trường hợp sẽ trông như bị tiêu chảy. Lúc này các hormon sinh dục sẽ giảm, chim có thể không đấu hoặc kém linh hoạt, cùng tỉ lệ nghịch cơ thể những chú chim sẽ sản sinh các hormone ưu việt khác để phát triển bộ lông. Sau khi hoàn thiện bộ lông mới cơ thể nó sẽ tăng trưởng trở lại hormon testosterone để tiến vào mùa sinh sản kế tiếp. Chu kì này cứ lên xuống lặp đi lặp lại mỗi năm một lần.
Chào mào bị rụng lông lực ( là 2 chiếc lông chính giữa bộ lông đuôi) bất thường ngoài chu kì thay lông, cơ thể nó cần phải tái sản xuất các hormon cần thiết cho sự phát triển lông để tái phát triển những chiếc lông bị rụng. Cơ chế sản xuất hormon này không giống chu kì thay lông chính thức, chính vì thế những chiếc lông mới mọc sau sẽ không được nuôi dưỡng đầy đủ và sẽ không phát triển bằng ( kể cả về độ dài) với những chiếc lông cũ.
Có hay không việc tái sản xuất các hormon thay lông phụ thuộc vào việc những chiếc lông bị rụng có ảnh hưởng đến quá trình sống của chú chim hay không! Ví dụ như việc rụng quá nhiều lông cánh sẽ ảnh hưởng đến khả năng bay kiếm mồi, điều này chắc chắn sẽ kích hoạt quá trình tái sản xuất các hormon thay lông và nhiều trường hợp sẽ kich hoạt lại toàn bộ quá trình thay lông bất thường mà không cần chờ đợi đợt thay lông đúng chu kì.
Nhưng nếu như chỉ là rụng lông lực thì sẽ không có trường hợp tái sản xuất hormon. Điều này lí giải rằng việc vì một lí do nào đó chim bị mất đi toàn bộ những chiếc lông đuôi và những chiếc lông mới được mọc ra sẽ không đủ độ dài tối đa so với ban đầu. Nó còn phụ thuộc vào thời điểm những chiếc lông bị rụng bất thường, nếu như những chiếc lông bị rụng bất thường gần với chu kì thay lông hàng năm thì khả năng những chiếc lông mới sẽ phát triển đầy đủ kích thước nhưng trong trường hợp những chiếc lông rụng bất thường bị rụng trong thời kì chim đang căng lửa thì chắc chắn sẽ không thể như cũ. Có thể mất một hoặc hai chu kì thay lông thì những chiếc lông yếu mới có sự phát triển tối đa. ̆́c phục điều này và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển những chiếc lông mới được tối đa thì chế độ dinh dưỡng, môi trường, chế độ chăm sóc nên giống như trong thời kì thay lông.
3: NGUYÊN NHÂN CHÀO MÀO THAY LÔNG BẤT THƯỜNG:
Một con chim thay lông ngoài đợt thay lông theo chu kì sẽ gọi là thay lông bất thường, nguyên nhân chủ yếu do stress. Thay lông này đôi khi chỉ là lông ức, lông bụng, lông người. Nghiêm trọng hơn là lông đuôi, lông cánh. Đặc biệt nghiêm trọng là thay gần như toàn bộ lông. Khi thay lông thì lượng hormon testosterone giảm, nó được thay thế bằng các hormon thay lông điều này làm đảo lộn nhịp cân bằng cơ thể, những chú chim thay lông bất thường sẽ không thể đạt đỉnh lửa trong năm đó và nó sẽ chỉ có thể đạt đỉnh lửa vào chu kì năm sau.
- Các nguyên nhân dẫn tới việc thay lông bất thường hay còn gọi là thay lông stress.
- Chim bị hoảng bởi các nguyên nhân do mèo, chuột, rơi lồng, thằn lằn, rắn… và các nguyên nhân tương tự làm chim bị hoảng dẫn tới rụng lông bất thường
- Lồng chim bị treo vào nơi quá nóng hoặc gặp trời mưa, rét bị quá lạnh
- Thay đổi môi trường sống hoặc nuôi chim trong phòng máy lạnh
- Việc bạn mang về một con chim mới và để chúng gần nhau đôi khi cũng gây nên stress
- Nước uống, thức ăn hỏng, bệnh tật, cũng là nguyên nhân gây stress ở chim
- Dinh dưỡng, thức ăn hoàn toàn không phù hợp, thiếu hụt methionine, cysterin
- Chim bị hoảng do thi đấu, điểm treo, mất sức do dợt quá nhiều, mệt mỏi, tập lực phơi nắng quá đà…vv..và nhiều nguyên nhân khác
Như vậy chim thay lông bất thường do stress có một hoặc nhiều nguyên nhân, chúng ta cần xác định chính xác nguyên nhân nào chim bị stress để có thể đề phòng tái xuất hiện. Có thể nhận biết sớm tình trạng chim bị stress do dinh dưỡng bằng cách nhìn đường stress trên lông đuôi, và cánh ( hình minh hoạ) . Là những đường cắt ngang lông đuôi thường chỉ phần ngọn của chiếc lông, những chiếc lông trông như bị yếu và dễ gãy vỡ. Nếu một chú chim xuất hiện đường stress điều đó thể hiện chú chim đó không được chăm sóc đúng trong lúc thay lông hoặc có một chế độ dinh dưỡng hoàn toàn không phù hợp.
4: TỔNG KẾT:
Thành công hay thất bại trong việc nuôi chim phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình thay lông hàng năm. Những thay đổi sinh lí trong quá trình thay lông, việc thay đổi hormon trong cơ thể. Quá trình tái sản xuất Testosterone sau chu kì thay lông diễn ra nhanh chóng! Tất cả điều đó đánh giá một chu kì thay lông tốt và chắc chắn chú chim sẽ sớm đạt đỉnh lửa nếu điều đó diễn ra. Quá trình chăm sóc ngoài chu kì thay lông tránh những yếu tố gây stress sẽ mang lại những thuận lợi cho chu kì thay lông tiếp theo!
Bài viết được Tuan Ha chia sẻ.